Tác giả: Hữu Danh
.KD: Những gì quý giá nhất của rừng, oái ăm thay, lại chạy vào nhà cán bộ – những người chuyên chống lâm tặc và hô hào bảo vệ rừng. (Hữu Danh)
Dân gian có câu: Ghét của nào trời trao …. của đó mà :D
————-
Câu chuyện nữ trung úy công an kinh tế tỉnh Đắk Lắk xây dựng quần thể nhà gỗ vô giá đăng trên Dân Việt ngày hôm qua, 22.7 làm dư luận xôn xao. Nhưng chỉ là xôn xao với người dân ở nơi khác, vì ngay tại vùng đất được coi là thủ phủ Tây Nguyên này, biệt thự gỗ quý của cán bộ “đếm không hết”.
Trung úy Trần Lê Thúy Hằng năm nay mới 27 tuổi. Trước khi vào ngành công an, bà Hằng là nhân viên ngân hàng. Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi – Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk là cha ruột bà Hằng, đồng thời cũng là “sếp” của con gái mình. Ông Rơi cho biết, khu nhà gỗ là của con gái ông, không phải là tài sản của ông.
Ở vùng đất luôn “nóng” với chuyện phá rừng là Tây Nguyên, thiếu tướng Trần Kỳ Rơi là người nổi tiếng với những chỉ đạo quyết liệt chống lâm tặc, kêu gọi bảo vệ rừng. Con gái ông cũng làm việc ở phòng chuyên chống lại buôn lậu gỗ, gian lận thương mại, lâm tặc… Hàng loạt vụ bắt gỗ lậu diễn ra tại Tây Nguyên. Rất nhiều lâm tặc đã phải trả giá cho hành vi tàn phá rừng của mình.
Cho nên, dù không bất ngờ với hình ảnh nhà gỗ của trung úy Hằng nhưng người dân cũng ớ người ra khi mà cán bộ lại… khoái đồ gỗ, cổ xúy cho lối tiêu dùng có liên quan đến việc đốn cây rừng.

Bên trong dinh thự gỗ vô giá của trung úy công an Trần Thị Thúy Hằng.
Gần một tháng qua, nhóm phóng viên chúng tôi đã đi khắp các cánh rừng Tây Nguyên, từ Đắk Nông đến Đắk Lắk, Gia Lai rồi Kon Tum, Lâm Đồng, đâu đâu cũng thấy cảnh rừng bị tàn sát. Sau lệnh đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nạn phá rừng vẫn tràn lan.
Gỗ ở K’Bang (Gia Lai) vẫn ào ạt chạy ra khỏi rừng dù từ rừng ra ngoài chỉ có con đường độc đạo, có barie chắn ngang của lực lượng kiểm lâm; Gỗ ở Ngọc Hồi, Sa Thầy (Kon Tum) cũng ồ ạt chạy ra khỏi rừng cả ngày lẫn đêm – dù muốn qua chốt chặn phải “bay lên trời” mới thoát.
Những người bị mang danh là “lâm tặc” than thở với chúng tôi, sau lệnh cấm, gỗ vẫn bị đốn hạ, chỉ có tiền bôi trơn là tăng lên, và thu nhập của lâm tặc giảm xuống. Những ngày đi rừng, nhóm phóng viên không quen rừng thiêng nước độc, ai cũng trầy xước khắp người do té ngã, do cây cào, do muỗi vắt đốt chi chít…
Có vào rừng mới thấy, “lâm tặc” ở tầng mức thấp nhất có đời sống khốn khổ dưới đáy xã hội. Trung bình, mỗi ngày họ kiếm được vài trăm ngàn đồng, nhưng chi phí trong rừng đắt đỏ, lâm tặc nào cũng nghèo xơ xác. Họ là thành phần khốn khổ khốn nạn, đổ mồ hôi và máu chỉ để kiếm cơm sống qua ngày.
Tại một huyện nghèo khác của tỉnh Đắk Lắk, dân cư chủ yếu là người Ê Đê, Gia Rai, các đời lãnh đạo huyện đều kiên quyết chống lại lâm tặc. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Chủ tịch huyện là người liên tục kêu gọi bảo vệ rừng, chống lâm tặc vì đây là địa bàn diện tích rừng rất lớn. Ông liên tục chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, công an triệt phá lâm tặc.
Và rồi, người dân ngã ngửa khi thấy trong nhiệm kỳ cuối cùng, ông bắt đầu cho xây một dinh thự gỗ sát nách Hạt Kiểm lâm. Những cây cột tròn cực lớn, toàn gỗ căm xe, cà chít được ồ ạt chở về. Những tấm ván nguyên khối gỗ hương, gỗ cẩm cũng được tập kết. Những bộ bàn ghế lớn đến mức phải vài chục người khiêng cũng được xe tải loại lớn đưa về nhà ông.
Trao đổi với chúng tôi, ông chủ tịch huyện có vẻ khá tự hào khi căn nhà này được ông thuê thợ từ tận miền Trung vào chế tác, ròng rã suốt 3 năm mới xong. Căn nhà mọc lên, trở thành dinh cơ lớn nhất huyện nghèo ấy và cũng được coi là căn nhà gỗ lớn nhất Tây Nguyên.
Tôi ở Long An, mỗi khi có khách về tôi thường hay dẫn họ đi tham quan di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà trăm cột – niềm tự hào về kiến trúc của người dân Long An. Căn nhà này của một đại gia siêu giàu thời phong kiến, khi mà gỗ rừng còn nhiều vô kể. Thế nhưng, khi tham quan căn nhà của ông Chủ tịch huyện nghèo, tôi thấy Nhà trăm cột chỉ là “con muỗi” so với dinh cơ này.
Tôi nghĩ, lâm tặc có lẽ sẽ chạnh lòng khi thấy những gì quý nhất của rừng nằm ngạo nghễ ở nhà cán bộ… chống lâm tặc.
Ở thành phố Buôn Ma Thuột, nhà gỗ triệu đô không hiếm. Nhưng những căn nhà này không thuộc về giới siêu giàu, giới doanh nhân. Những căn nhà này, trớ trêu thay, lại là nhà của cán bộ. Sau lệnh đóng cửa rừng, những món đồ gỗ, nhà gỗ này càng trở nên vô giá.
Những hình ảnh nhà gỗ xa hoa, chúng tôi sẽ lần lượt hầu bạn đọc trên báo Dân Việt.
————
Xin đọc thêm bài ông Giám đốc thanh minh thanh nga:
Tướng Rơi bác thông tin cơ ngơi gỗ của nữ trung úy CA Đắk Lắk
Tác giả: Hoàng Đan
Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk đã lên tiếng bác bỏ thông tin về cơ ngơi gỗ ‘vô giá’ của Trung úy Trần Thị Thúy Hằng, con gái ông.
Thông tin về quần thể cơ ngơi gỗ “vô giá” của nữ Trung úy Trần Thị Thúy Hằng, đang công tác tại công an tỉnh Đắk Lắk nằm trên đường Ymoan, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột đang khiến dư luận xôn xao.
Trao đổi với chúng tôi vào sáng nay, Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc công an tỉnh Đắk Lắk, bố Trung úy Trần Thị Thúy Hằng đã bác bỏ thông tin về cơ ngơi gỗ “vô giá” này là của con gái ông.
Theo tướng Rơi, ở đây, có hai khu vực đất khác nhau, một khu đất của chị Hằng và một khu đất nằm liền kề phía trên với 5 chủ, có tên tuổi, giấy tờ đoàng hoàng.
“Khu đất dưới đúng là của con gái tôi và quán cà phê đó là của con tôi cho thuê, cùng một người bạn đứng ra kinh doanh.
Trong đó, người đứng tên đăng ký kinh doanh là một người bạn của con gái tôi, đã gần chục năm rồi chứ không phải tên con gái tôi.
Còn mấy nhà gỗ mà họ thông tin ở khu đất phía trên là nhà của 5 người khác, có tên tuổi, giấy tờ đoàng hoàng chứ không phải của con tôi”, tướng Rơi nêu rõ.
Tướng Rơi cũng cho hay, thông tin về cơ ngơ gỗ trên hoàn toàn không chính xác đã gây dư luận hiểu nhầm, không tốt đối với con gái và gia đình ông.
Giám đốc công an tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết thêm, hiện con gái ông đã có văn bản khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị xử lý thông tin không chính xác và xử lý tội vu khống.
Đồng thời, 5 gia đình là chủ của các ngôi nhà gỗ được nêu trên cũng đang chuẩn bị có đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ, xử lý thông tin trên.
Trước đó, theo thông tin trên một tờ báo thì quần thể nhà cửa này toàn gỗ quý, kích thước khổng lồ. Ngoài ra, hiện khu vưc này vẫn đang xây dựng thêm.
Bên trong khuôn viên, nhiều bãi tập kết gỗ nằm rải rác, có cả kho chứa gỗ tròn rất lớn và gỗ xẻ hộp. Ngoài ra, trong khuôn viên còn có những cây gỗ quý cổ thụ trồng làm cảnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét